Giỏ hàng

Những quan niệm sai lầm về Thiền Định

Trong xã hội hiện đại, thiền đã trở nên vô cùng phổ biến, thậm chí còn được các bác sĩ kê đơn như một liều thuốc. Không chỉ là các thầy tu, nhiều tầng lớp cũng đến với thiền: từ các nhà khoa học, các lãnh đạo trong kinh doanh, nghệ sĩ, sinh viên, giáo viên, đến quân nhân, và hứa hẹn trong tương lai, có cả các chính trị gia.

Dù thiền không còn xa lạ, rào cản đưa thiền đến với nhiều người là những quan niệm sai lầm. Hãy cùng vạch trần 7 quan niệm phổ biến nhưng sai lầm về thiền.

1. Quan niệm sai lầm số 1:

“Thiền rất khó” - Sự thật số 1

Quan niệm này bắt nguồn từ hình ảnh thiền hay gắn liền với các thầy tu, các vị thánh, các bậc cao tăng, như là một sự tu tập khắc khổ. Thực ra, với sự hướng dẫn từ một giáo viên giàu kinh nghiệm, thiền trở nên vô cùng dễ dàng và thú vị.

Kĩ thuật thiền có thể rất đơn giản, như là chú ý vào từng hơi thở.

Lí do khiến cho thiền có vẻ khó đó là chúng ta thường cố tập trung một cách thái quá, chăm chăm vào việc đạt được mục tiêu, hoặc là lo lắng về việc có đang làm đúng hay không.

Người hướng dẫn sẽ giúp bạn hiểu trải nghiệm của mình, vượt qua khó khăn thường gặp, và hình thành thói quen luyện tập hằng ngày.

2. Quan niệm sai lầm số 2:

“Muốn thiền thành công, phải để tâm trí yên lặng” - Sự thật số 2

Đây có lẽ là sai lầm lớn nhất về thiền và cũng là lí do khiến nhiều người bỏ cuộc vì mất kiên nhẫn. Thiền không có nghĩa là dừng hẳn mọi suy nghĩ hay cố là cho tâm trí trở nên trống rỗng… cả hai phương pháp này sẽ chỉ tạo thêm nhiều áp lực và những suy nghĩ lộn xộn mà thôi.

Chúng ta không thể chấm dứt hay kiểm soát những suy nghĩ, nhưng có thể quyết định sự chú ý của mình vào chúng. Dù ta không thể làm cho tâm trí trở nên tĩnh lặng, thiền giúp chúng ta tìm thấy không gian tĩnh lặng giữa những dòng suy nghĩ.

Không gian này chính là sự tĩnh lặng thuần khiết, sự bình yên thuần khiết, sự thông tuệ thuần khiết. Khi thiền, ta mang sự chú ý của mình vào một đối tượng quán chiếu, ví dụ như hơi thở. Điều này sẽ giúp tâm trí ta thả lỏng để hoà vào dòng nhận thức.

Khi những suy nghĩ khởi lên… như lẽ tất yếu… ta không cần phải phán xét hay cố gắng xua chúng ra khỏi đầu. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng đưa sự chú ý của mình về với đối tượng quán chiếu.

Khi thiền, sẽ có những khoảnh khắc, có thể chỉ kéo dài vài mili giây, tâm trí chìm vào không gian tĩnh lặng và trải nghiệm sự tinh khôi của tỉnh thức. Thiền càng thường xuyên, trạng thái tỉnh thức này càng kéo dài.

3. Quan niệm sai lầm số 3:

“Phải mất nhiều năm luyện tập, mới có thể gặt hái được những lợi ích từ thiền” - Sự thật số 3

Từ những người mới tập đến những người tập lâu năm, đều có thể thu được những lợi ích rõ rệt của thiền.

Bạn có thể cảm nhận được sự khác biệt ngay từ lần thiền đầu tiên hay trong những ngày đầu tiên tập luyện. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng thiền có ảnh hưởng sâu sắc đến thể trạng tâm lý và vật lý chỉ sau vài tuần đầu tiên.

Theo một nghiên cứu của trường đại học Havard và bệnh viện Massauchusetts, 8 tuần tập thiền không chỉ giúp con người giảm lo âu, mà còn phát triển những vùng trong não liên quan đến trí nhớ, khả năng thấu cảm, sự tự nhận thức bản thân, và cơ chế quản lý căng thẳng.

4. Quan niệm sai lầm số 4: “Thiền là sự trốn tránh thực tại” - Sự thật số 4

Mục đích thực sự của thiền không phải là để chạy trốn khỏi các vấn đề, mà là trở về với chính mình… phần nguyên bản và bất biến của mình, dù hoàn cảnh bên ngoài có ra sao.

Trong lúc thiền, bạn sẽ đi xuyên qua phần tâm trí huyên náo – luôn ngập trong những suy nghĩ về quá khứ và tương lai, để tiếp chạm với sự thông tuệ thuần khiết. Trong trạng thái tỉnh thức này, bạn sẽ buông bỏ tất cả những giới hạn và định nghĩa về bản thân mà bạn tự đặt ra… để lĩnh hội sự thật rằng bạn là một linh hồn không giới hạn.

Với sự luyện tập thường xuyên, bạn sẽ lau sạch cánh cửa nhận thức và mở rộng sự thông tuệ.

Dù có một vài người sử dụng thiền như một cách để trốn tránh thực tại… né tránh những cảm xúc cá nhân.. phương pháp này đi ngược lại với mục đích thực sự của thiền. Trên thực tế, nhiều kĩ thuật thiền được tạo ra để giải phóng những cảm xúc tiêu cực bị dồn nén.

5. Quan niệm sai lầm số 5: “Tôi không có thời gian để thiền” - Sự thật số 5

Đã có những giám đốc sản xuất bận rộn mà không hề bỏ lỡ một buổi thiền nào trong suốt 25 năm. Nếu coi thiền là việc ưu tiên, bạn sẽ thực hiện nó bằng mọi giá. Còn nếu cảm thấy lịch làm việc quá dày, hãy nhớ rằng vài phút thiền mỗi ngày vẫn tốt hơn là không.

Chúng tôi mong rằng bạn không tự cho mình cái cớ bỏ thiền chỉ vì trời đã muộn hay bạn cảm thấy buồn ngủ quá. Nghịch lý là, càng thiền thường xuyên, bạn càng có thêm nhiều thời gian.

Khi thiền, ta thả trôi vào dòng nhận thức không biên giới, không thời gian… trạng thái này là khởi nguồn của tất cả mọi thứ sẽ hiển thị trong vũ trụ.

Khi bạn thiền, hơi thở và nhịp tim chậm dần, huyết áp cũng giảm, cơ thể bớt tiết ra các hormone gây stress và những hoá chất thúc đẩy quá trình lão hoá.

Chúng ta sẽ ở trong một trạng thái thức tỉnh mà cực kỳ khoẻ khoắn cho cơ thể và trí não. Khi mọi người hình thành thói quen thiền vào buổi sáng, họ cũng thấy rằng mình có thể hoàn thành được nhiều việc hơn dù chỉ phải làm rất ít. Thay vì quay cuồng với hết việc này việc kia, họ dành thời gian cho một số việc trong trạng thái “dòng chảy”… để hoà hợp với nhịp điệu của vũ trụ.

6. Quan niệm sai lầm số 6:

“Muốn thiền cần phải có niềm tin tôn giáo hoặc tâm linh” - Sự thật số 6

Thiền là một hình thức tập luyện để đưa chúng ta ra khỏi sự hỗn loạn của tâm trí và tiếp chạm sự tĩnh lặng. Thiền không đòi hỏi chúng ta phải có một niềm tin tâm linh nào đó. Rất nhiều người đến từ những tôn giáo khác nhau thực hành thiền mà không cảm thấy bất đồng với niềm tin tôn giáo của họ.

Một vài người không theo bất cứ tôn giáo nào hoặc theo chủ nghĩa vô thần nhưng vẫn thực hành thiền. Họ thiền để trải nghiệm sự tĩnh lặng trong tâm trí cũng như đạt được những lợi ích sức khoẻ.. như là giảm áp lực máu, giảm căng thẳng, và có những giấc ngủ ngon.

7. Quan niệm sai lầm số 7: “Tôi cần phải có những trải nghiệm vi diệu trong lúc thiền” - Sự thật số 7

Một số người cảm thấy thất vọng khi không có những trải nghiệm như bay lên, nhìn thấy màu sắc, nghe thấy âm thanh của các thiên thần, hay chìm trong trạng thái giác ngộ. Dù thiền đem lại rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời, như là cảm giác an lạc hay hoà làm một với vạn vật, đó không phải là mục đích của việc tập thiền.

Lợi ích thực sự của thiền nằm ở việc chúng ta tiếp diễn cuộc sống hằng ngày. Sau mỗi lần thiền, cảm giác bình yên và tĩnh lặng bên trong khiến chúng ta trở nên sáng tạo, đồng cảm, yêu thương hơn trong công việc cũng như cuộc sống cá nhân.