Giỏ hàng

THÁNH TÍCH BẬC NHẤT TẠI TÂY TẠNG HUYỀN BÍ: CỔ TU VIỆN SAKYA


Cổ tu viện Sakya, một trong những thánh tích bậc nhất tại Tây Tạng với tuổi đời gần 1000 năm lịch sử. Đối với Tông Phái Sakya - một phái lớn của Phật Giáo Tây Tạng, thánh tích này chính là cái nôi giáo lý thiêng liêng của họ. 


Cận cảnh tu viện Sakya tại thành phố Shigatse. 

Được thành lập vào năm 1073 bởi Khon Khonchog Gyalpo (1034-1102) đến nay cổ tu viện Sakya cũng đã được gần 1000 năm tuổi và là tu viện chính của Giáo phái Sakyapa của Phật giáo Tây Tạng.

Khon Khonchog Gyalpo (1034-1102) 


DÒNG LỊCH SỬ . . .


Tu viện Sakya, nằm ở quận Sakya, khu tự trị Tây Tạng, thuộc tỉnh Shigatse, tây nam Tây Tạng. Cách Shigatse khoảng 160km về phía tây nam, tu viện nằm trên sườn đồi trên đường đến Tingri. Địa điểm xây dựng tu viện được cho là một nơi kiết tường, bởi vì theo truyền thuyết, Đại sư Atisha đã có một mộng kiến (chiêm bao) thấy rằng các vị Phật/Bồ-tát vĩ đại như Bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Trí Văn Thù, MahakalaKim Cương Thủ được sinh ở đây để truyền những lợi ích của Pháp làm lợi ích chúng sanh

Tên của tu viện được kết hợp từ hai chữ: “sa” có nghĩa là đất, và “kya” có nghĩa là màu xám, bởi vì tu viện nằm trên một ngọn đồi đất màu xám. Từ khi thành lập cho đến năm 1959, tu viện này là trụ sở chính của phái Sakya, và là nơi cư trú của những vị lãnh đạo tối cao của phái này. Năm 1268, Chogyal Phagpa, vị thứ năm trong năm người thành lập phái Sakya, đã mở rộng tu viện, và trải qua nhiều thế kỷ nó phát triển thành một quần thể với hàng trăm điện thờ, bảo tháp, Tăng xá…

Tổng quan cổ Tu viện Sakya nằm trên một ngọn đồi.

Lúc đầu, nó bao gồm cả các tu viện phía Bắc và phía Nam; tuy nhiên, Tu viện phía Bắc ngày nay đã xuống cấp.


NHỮNG DI SẢN VÔ GIÁ CỦA THÁNH TÍCH LINH THIÊNG . . .


Tu viện Sakya còn được biết đến tên gọi là "Đôn Hoàng thứ hai", với bộ sưu tập khổng lồ hơn 40.000 cuốn sách kinh Phật, SakyaKloster có kệ sách đặt khoảng 10.000 bản kinh thư cổ. Các giá sách bao gồm cả hai bên của căn phòng từ dưới sàn lên đến trần. Các kệ ở mỗi bên có chiều dài 57m và cao 11m. Đây cũng là quê hương của kinh thư lớn nhất thế giới, BurdeGyaimalung,  dài gần 2m. Kinh thư là một bản ghi chép về tôn giáo, văn hoá, lịch sử, triết học, văn học và nông nghiệp Tây Tạng nặng hơn 500kg. 

Tu viện hiện lưu giữ hàng ngàn bức tượng, tranh vẽ, kinh sách, Thangka, Mandala và những pháp khí Tây Tạng khác nhau trong số đó được tôn sùng nhất là Thiên Châu - đá Dzi bởi những năng lượng cổ xưa thần diệu của nó. Hầu hết các cổ vật này có từ khoảng năm 1270 sau Công nguyên.

Hơn 3.000 tranh Thangka, chủ đề chính là những truyện kể về cuộc đời Đức Phật, các vị thần Phật giáo Tây Tạng, những vị Bồ-tát, Lama ... Trong số đó, bức Thangka nổi bật và quý giá nhất đã mô tả chân dung của tổ tiên Sakya trước đây, cuộc gặp của Phakpa với Kublai Khan (Hốt Tất Liệt) - nhà lãnh đạo Mông Cổ nổi tiếng của Trung Quốc, ông mời Phapka và SakyaPandita, giảng dạy triết học Phật giáo tại cung điện của mình, qua đó Phật giáo Kim Cương thừa ở Trung Quốc liền khởi sự.


SakyaKloster là ngôi nhà của hàng ngàn tập kinh Phật pháp thiêng liêng.

Vào năm 2003, các vị Lama đã phát hiện một tạng thư bí mật chứa đến 84.000 cuốn ở tu viện Sakya, được lưu giữ cẩn thận ở trong một bức tường dài 60m và cao 10m. Hầu hết những cuốn sách này thuộc kinh sách Phật giáo, bên cạnh đó là những tác phẩm về lịch sử, văn học, toán học, triết học, thiên văn, y học và nghệ thuật. Tất cả đều có niên đại từ rất lâu, được viết tay cẩn thận bằng bột vàng, bạc, đá, mực đỏ và được buộc lại thành từng cuộn. 


Lá Patra - Bát Nhã trong Kim Cương Thừa

Rất nhiều những tạng kinh Phật Pháp được viết trên lá Patra. Những bản kinh này được viết bằng chữ Tây Tạng, Mông Cổ và Sanskrit. Những học giả xưa đã sử dụng bút sắt để viết kinh lên trên những lá Patra có độ rộng trung bình 5cm. Vì thời tiết ở Sakya lạnh và khô ráo, nên đã giúp sự bảo quản những bản kinh viết trên lá này được lưu truyền đến tận ngày nay.

Ngoài là một tu viện cổ, Sakya còn là một trung tâm học thuật.

Một trong những điểm nổi bật khác tại Sakya là lễ hội múa Chăm được tổ chức hàng năm. Trong lễ hội, các thầy tu đeo mặt nạ, mặc trang phục sặc sỡ và nhảy những điệu nhảy truyền thống. Lễ hội được tổ chức trong 2-3 ngày vào đầu năm và là một sự kiện lớn trong lịch lễ hội Phật giáo.


Cận cảnh một góc của cổ Tu viện Sakya

Nguồn sưu tầm và tổng hợp
bởi nangluongsong.vn